Vai trò của canxi đối với cây trồng

Canxi ( Ca) là một trong ba dưỡng chất trung lượng cùng với lưu huỳnh (S) và Magie (Mg), chúng là các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của cây trồng. Caxi mặc dù không phải là dưỡng chất chính như Nito (N), phốt pho (P) và Kali (K), tuy nhiên không có nghĩa là Caxi, magie ít quan trọng hơn N, P, K đối với cây trồng. Các chất dinh dưỡng thứ cấp Ca, Mg, S là rất cần thiết cho cây trồng sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, nhưng là cần thiết với một tỉ lệ ít hơn so với các chất dinh dưỡng chính.

Vai trò của canxi: Canxi với hình thức ion hóa trị 2+ có vai trò kích thích rễ cây phát triển, giúp hình thành các hợp chất tạo nên màng tế bào thực vật. Ca ít tham gia vào việc xây dựng nên chất hữu cơ nhưng có tác dụng quan trọng trong việc xây dựng cấu trúc tinh vi của tế bào sống. Nó là cầu nối trung gian giữa các thành phần hóa học của chất nguyên sinh.
Canxi bảo đảm hình thành chất gian bào (pectat Ca) gắn các tế bào lại với nhau.  Ca còn có tác dụng điều tiết mạnh mẽ các quá trình sinh lý và trao đổi chất của tế bào, vì Ca ảnh hưởng đến trạng thái hóa lý của chất nguyên sinh, đến độ nhớt, tính thẩm thấu.
Canxi có tác dụng đối kháng với K (các chỉ tiêu hóa lý hóa keo của chất nguyên sinh) do đó có tác dụng rõ rệt đến tính thấm của tế bào.
Canxi là thành viên cố định của màng chất nguyên sinh, nó tham gia vào thành phần của lớp lipoid tạo thành các hợp  chất với phosphate (Ca có thể nằm giữa 2 gốc P của các phân tử leucitin);

 

Canxi làm giảm độ phân tán của keo, giảm độ ngậm nước của chất nguyên sinh làm cho hoạt động sống của chất nguyên sinh yếu đi. (Ca gây co nguyên sinh lõm, K gây co nguyên sinh lồi). Thiếu Ca thì các cation K+, Mg2+ có thể bị rửa trôi từ rễ ra ngoài dung dịch.
Trong môi trường chua (pH= 4) người ta thấy K  đi từ rễ ra ngoài dung dịch nhưng nếu có Ca thì hiện tượng này không xẩy ra.  Ca có tác dụng trung hòa các acid hữu cơ ở trong cây tạo thành các dạng muối Ca như oxalate Ca, v.v. do đó hạn chế độc cho cây.  Ca còn có tác dụng làm giảm độc của ion H+ trong đất và là nhân lố chủ yếu điều hòa độ chua của tế bào.
Gần  đây người ta thấy Ca tham gia vào việc cấu tạo của một số enzyme như amylase, proteinase của một số vi khuẩn, ở đây từng nhóm cấu trúc riêng biệt của enzyme được liên kết lại với nhau là nhờ có Ca làm cầu nối. Chính đó là cơ sở cho amylase chịu được nhiệt độ cao. Ion Ca2+ còn làm tăng hoạt tính của lipase, ATP-ase, phosphatase và nhiều enzyme khác. Ca có tác dụng làm giảm hoạt tính sinh lý của một số ion khác như Mg2+, Al3+,  NH4+…nhờ đó tránh ảnh hưởng tác tại của nồng độ cao của các chất đó.
Ca làm tăng tính dễ tiêu của Mo và làm giảm khả năng đồng hóa của các nguyên tố vị lượng như B, Mn, Cu, Zn và cả nguyên tố đại lượng  như Fe, P. Ca rất cần cho quá trình phân chia tế bào và cho sự sinh trưởng trong pha lớn lên. Ca cũng cần cho sự sinh trưởng của bộ rễ.
Những điều nói trên cũng cho thấy biện pháp bón vôi ngoài tác dụng cải tạo lý hóa tính của đất, tạo độ chua thích hợp cho sự phát triển bình thường của cây và vi sinh vật có ích  đồng thời  đảm bảo cho cây một nguyên tố dinh dưỡng cần thiết.

Cây thiếu canxi biểu hiện thế nào?
Khi thiếu Ca, triệu chứng biểu hiện trên cây cho ta thấy là đầu chóp lá và hai bên mép lá chuyển sang màu bạc trắng, sau đó hóa đen rồi uốn cong và xoắn lại. Cấu trúc của tế bào bị hại, lá non, đọt non bị ảnh hưởng trước, tiếp đến là hệ rễ làm ảnh hưởng đến khả năng hút nước và hấp thụ dinh dưỡng của cây. Ở thân cây thường xuất hiện rễ phụ, lông hút, rễ sinh trưởng chậm. Khi thiếu Ca nặng, hoa quả bị thối từng mảng, còn thừa Ca chưa thấy biểu hiện rõ các triệu chứng ra bên ngoài. Ca có tác động tương hỗ với một số ion nên làm giảm tỷ lệ hút các ion đó. Ví dụ, làm hạn chế hút đạm dạng NH4+ nên giảm tác hại do thừa N gây ra, giảm bớt lượng Na+ cũng giảm tác hại của chất này đối với cây.
Nếu bón thừa Ca, trước hết Ca hoạt động ở quanh vùng rễ để khử độc cho cây tốt nên phần lợi vẫn ưu thế hơn. Tuy vậy để sử dụng mặt lợi này của Ca, thường ta bón liều lượng Ca cao vào lúc làm đất trước khi gieo cấy 1 – 2 tuần sẽ có lợi nhiều hơn.


Đất nào phải bón canxi?

Nói chung đất có độ pH thấp hơn 6,5 đều cần bón Ca. Như vậy, đất nông nghiệp của nước ta vùng nào cũng cần bón Ca nên cần ưu tiên bón cho đất có pH dưới 5,5 đó là đất xám và đất phèn. Về liều lượng thì tùy thuộc vào mức độ chua nhiều hay ít để phân bổ lượng Ca cho phù hợp. Ca có hai chức năng chính khi được bón vào đất: Thứ nhất giúp khử độc để nâng pH của đất lên. Thứ hai, cung cấp Ca cho cây hút, khi pH đã được cải thiện, chất độc giảm, bộ rễ có điều kiện phát triển thì khả năng hút nước và chất khoáng của bộ rễ được tăng cường, giúp cho cây thêm khỏe mạnh. Vì vậy, tùy theo môi trường đất mà quyết định bón nhiều hay ít phân có chứa Ca. Nhưng mức tối thiểu cũng cần bón khoảng 500 kg/ha như vôi nung (CaO) thì mới đủ đáp ứng cho hai chức năng của Ca bón vào. Nguyên liệu nào bón cho đất sẽ cung cấp Ca tốt nhất? Trong các nguyên liệu có chứa Ca kể trên, nếu dùng đá vôi hay vỏ sò, vỏ ốc, san hô … cần phải nung kỹ, tạo thành CaO mới bón. Các dạng vật liệu như Dolomit, thạch cao thì có thể bón trực tiếp được nhưng thường bón như dạng bón lót.Còn super phosphate hay phân lân nung chảy thì dùng dễ dàng, nhưng phần lớn cũng để bón lót hoặc bón thúc, đặc biệt là trên đất phèn.